Sáng 6.1, tỉnh Hải Dương phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề Chuyển đổi số, cơ hội và thách thức.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu tại hội nghị
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo, trưởng phòng, khoa các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Báo Hải Dương, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, các sở, ngành thuộc khối chính quyền; lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; Ban Thường vụ các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy... dự tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa Xứ Đông.
Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; lãnh đạo HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chánh văn phòng các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng phòng, ban, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố và Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại 12 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tham luận “Chuyển đổi số trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch bệnh Covid-19
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) giới thiệu khái quát về kinh tế số, cơ hội và thách thức cho nền kinh tế trong thời đại chuyển đổi số; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm chuyển đổi số ở một số nước trên thế giới và của Tập đoàn FPT; đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu đề án Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoan 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; một số chuyên gia của Tập đoàn FPT giới thiệu các vấn đề cốt lõi về chuyển đổi số đối với xây dựng chính quyền, đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng và những cơ hội lớn mở ra từ chuyển đổi số. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định "Cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với các trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại". Với khát vọng đến năm 2025 tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030...Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; phát triển chính quyền số với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% tại cấp huyện, 60% tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Xác định một trong 3 công trình trọng điểm của nhiệm kỳ là: Hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công nghệ thông tin của chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Đây là những mục tiêu phát triển về kinh tế số đầy tham vọng, là điểm mới nổi bật trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh ta. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và hiệu quả thiết thực, to lớn do chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện từ chính quyền, đến từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, từng doanh nghiệp, từng người dân, trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh. Chuyển đổi số là một quá trình khách quan, cần phải chủ động, tích cực tham gia, dẫn dắt người dân và doanh nghiệp cùng chuyển đổi số. Đây là cơ hội quý giá của tỉnh ta, hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển và triết lý phát triển của chúng ta. Chuyển đổi số thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Đồng thời là cuộc vận động cách mạng. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, nhưng lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu - phải kiên định mục tiêu, dám nghĩ, dám làm. Chuyển đổi số chỉ thành công khi trở thành chiến lược cốt lõi, bao trùm, thay vì những nỗ lực riêng biệt. Phải có kế hoạch thực hiện cụ thể. Các cơ quan báo chí, bản tin, trang thông tin điện tử phải tăng cường tuyên truyền thường xuyên, lập chuyên mục. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền cho hội viên và mỗi người dân hiểu về chuyển đổi số. Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030: đây chính là chiến lược về chuyển đổi số mang tính bao trùm. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho tỉnh tập trung xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả, nhanh chóng Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết phải ban hành trong tháng 2.2020 và xác định đồng thời các mục tiêu đối với Hải Dương trong nhiệm kỳ này là: Kinh tế số; chính quyền số; đô thị thông minh, nông thôn thông minh, khu công nghiệp thông minh, khu phố thông minh, làng thông minh; người dân thông minh, cộng đồng xã hội thông minh .Mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết một cách cụ thể thiết thực và phải có sản phẩm cụ thể. Chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Từng bước xây dựng, triển khai các dự án thành phần của Đề án, trong đó, cần xác định rõ lộ trình thực hiện, nguồn vốn đầu tư. Trong đó ưu tiên triển khai xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC), Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC) và Trung tâm dữ liệu (DC) của tỉnh. Thực hiện cơ bản các thủ tục hành chính đạt mức độ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngay trong Quí I/2021; nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính - nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trong các Doanh nghiệp nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Nguồn: Kim Dung
Hôm nay: 287
Tổng lượng truy cập: 243631